Khi bị thoái hóa đốt sống cổ, bệnh nhân thường xuyên bị đau nhức ở vùng cổ, vai, gáy, đau lan dọc xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay kèm theo các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn thị lực… Đây là biến chứng thiếu máu lên não do bệnh thoái hóa đốt sống cổ mà nhiều người bệnh thường hay bỏ qua.
Thoái hóa cột sống cổ là căn thoái hóa cột sống phổ biến nhất hiện nay do tổn thương sụn khớp và đĩa đệm cột sống trong thời gian dài do quá trình lão hóa cơ thể. Bên cạnh đó, những thói quen trong cuộc sống hàng ngày như nằm gối quá cao, nằm ngủ với tư thế không phù hợp, ít vận động, do tính chất công việc, làm việc với cường độ cao, thường xuyên làm việc với máy tính,… khiến cột sống cổ chịu áp lực quá tải và thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
Sở dĩ, người bệnh gặp phải tình trạng thiếu máu não là do đốt sống cổ bị thoái hóa có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, hình thành gai cột sống gây chèn ép lên các rễ thần kinh, tủy sống, động mạch đốt sống cổ khiến quá trình trung chuyển máu lên thân não, tiểu não…. bị ảnh hưởng. Lượng máu cung cấp cho não bị giảm sút nên gây ra các hiện tượng đau đầu, chóng mặt, thiếu máu não, xuất huyết não, thiểu năng tuần hoàn não…
Phòng bệnh thiếu máu não do thoái hóa đốt sống cổ như thế nào?
Thiếu máu não không được điều trị kịp thời có thể tiến triển và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như xơ hóa não, động kinh, Parkinson, tăng huyết áp , tai biến mạch máu não (đột quỵ)… Cùng với thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến bệnh nhân bị mất chức năng vận động cột sống cổ, bại liệt chi trên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Để phòng bệnh thiếu máu não do thoái hóa cột sống cổ, bệnh nhân cần phòng bệnh thoái hóa cột sống cổ ngay từ bây giờ bằng cách:
Hạn chế làm việc liên tục bên máy vi tính, khi ngồi làm việc, tránh cúi đầu và cổ quá nhiều mà nên điều chỉnh sao tầm nhìn của người bệnh thẳng đến màn hình máy tính, chiều cao của bàn làm việc không được quá cao hoặc quá thấp với vị trí để tay của người bệnh.
Tránh nằm gối quá cao khiến đốt sống cổ chịu áp lực nâng đỡ phần đầu và trở nên quá tải, máu lưu thông lên não kém gây ra hiện tượng đau nhức đầu, hoa mắt… Nên nằm gối mềm có độ cao phù hợp và cho thoải mái. Bên cạnh đó, nên điều chỉnh tư thế ngủ hợp lý, tránh nằm cong vẹo người có thể gây ảnh hưởng đến cột sống vào sáng hôm sau và lâu dần dẫn đến thoái hóa cột sống.
Không để quạt máy, máy lạnh chiếu thẳng vào vùng cổ gáy, không tắm gội vào đêm khuya, dãi nắng dầm mưa… để tránh bị nhiễm lạnh và khiến mạch máu bị giảm độ đàn hồi, giảm khả năng vận chuyển máu đi nuôi cơ thể, đặc biệt là vùng cột sống cổ, vùng vai gáy và cánh tay.
Hạn chế lao động nặng, lao động với cường độ cao, khuân vác vật nặng trên cổ hay cúi đầu và cổ quá nhiều ở những người làm công việc đi cấy lúa, thợ cắt tóc, thợ sơn, thợ hồ, nha sĩ, diễn viên xiếc…
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao với các bài tập dưỡng sinh, tập yoga, thiền, bơi lội, đi bộ, chơi cầu lông… kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức khỏe xương khớp và tim mạch, giảm gánh nặng tinh thần, ngăn chặn stress, căng thẳng, mệt mỏi và giảm nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh, xương khớp, tim mạch…
Hy vọng những kiến thức được cung cấp qua bài viết có thể giúp bạn đọc nhiều hơn trong quá trình bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Chúc bạn vui khỏe.